Số 74 Đường Cao Thắng (Đối diện công an TP Hạ Long) 

Hotline: 0911 111 311

Giá trị và ý nghĩa nhân văn của phong trào hiến máu tình nguyện

Phong trào hiến máu tình nguyện chính thức được phát động tại Việt Nam ngày 24/1/1994. Sau 30 năm triển khai cho thấy đây là một phong trào có giá trị và ý nghĩa nhân văn rất lớn, giúp hàng triệu người bệnh được cấp cứu kịp thời, được kéo dài sự sống… Hoạt động hiến máu tình nguyện cũng tô thắm thêm truyền thống tương thân, tương ái, mang đậm tình yêu thương, nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam.
Giá trị và ý nghĩa nhân văn của phong trào hiến máu tình nguyện

Nhờ công tác vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện (HMTN) ngày càng phát triển lớn mạnh mà lượng máu thu nhận tăng nhanh qua các năm. Cùng với đó, công tác truyền thông ngày càng đa dạng với nhiều hình thức: từ truyền thông trực tiếp, phát tờ rơi, dán áp phích, căng treo băng rôn,… cho đến truyền thông đa phương tiện trên truyền hình, phát thanh, mạng xã hội đã được sử dụng hiệu quả trong việc tuyên truyền theo chiều rộng, chiều sâu nhằm thay đổi nhận thức và thu hút người dân tới với các điểm, các ngày hội hiến máu.

Năm 1994, cả nước tiếp nhận được khoảng 138 nghìn đơn vị máu, thì đến năm 2014, lần đầu tiên cả nước đã tiếp nhận được hơn 1 triệu đơn vị máu và năm 2024, cả nước tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được đã từng bước đáp ứng được nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị người bệnh và dự phòng thiên tai, thảm họa.

Trong 30 năm qua, toàn quốc đã tiếp nhận hơn 21,3 triệu đơn vị máu; có hàng chục nghìn cá nhân HMTN tiêu biểu hơn 30, 50 lần thậm chí hơn 100 lần; đã có hàng nghìn gia đình mà hầu hết các thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện; nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tổ chức ngày hiến máu.

Cùng với đó, tỷ lệ người hiến máu thể tích từ 350ml trở lên, người hiến máu nhắc lại ngày càng gia tăng; chất lượng máu tiếp nhận cũng ngày càng tốt hơn, từ đó đã góp phần cứu sống hàng triệu người bệnh nhờ được truyền máu.

Nhiều chiến dịch, sự kiện, chương trình hiến máu tình nguyện lớn được triển khai thành công, thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân như: “Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết” và Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Ðỏ; hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” (7/4); “Chiến dịch những giọt máu hồng – hè” và Hành trình Ðỏ, “Ngày Quốc tế người hiến máu” – 14/6…

Mạng lưới cơ sở tiếp nhận, cung cấp máu cũng được mở rộng, ngoài Trung tâm Máu quốc gia, các trung tâm truyền máu khu vực, trung tâm truyền máu vùng cũng được thành lập… Nhờ đó tập trung hóa ngân hàng máu, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận máu; đầu tư dây truyền xét nghiệm sàng lọc hiện đại, thực hiện sàng lọc bằng phương pháp phân tử, áp dụng kỹ thuật NAT trong sàng lọc HIV, HBV, HCV đối với các đơn vị máu và chế phẩm trước khi truyền cho bệnh nhân; sản xuất, điều chế được nhiều chế phẩm máu khác nhau đáp ứng theo nhu cầu của người bệnh… Người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến trung ương.

“Nhờ công tác vận động và tổ chức hiến máu ngày càng hiệu quả mà bảo đảm được lượng máu cho cấp cứu và điều trị. 30 năm phát động HMTN ở nước ta là cả quá trình nỗ lực thay đổi từ nhận thức đến hành động của hàng chục triệu người dân Việt Nam. Nhận thức có tốt đến đâu, khoa học có tiến bộ thế nào thì cũng không thể thay thế được nguồn máu hiến tặng từ những người hiến máu thường xuyên.

PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương

Qua 30 năm, phong trào HMTN tại nước ta đã phát triển một cách ấn tượng với nhiều dấu ấn và thật sự là một cuộc cách mạng thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động HMTN đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và của toàn xã hội. Trước đây, người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay người hiến máu được mở rộng, đa dạng đến mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo…

Ðặc biệt, trong những giai đoạn gian khó, khi có thông tin thiếu máu trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trong những giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19 thiếu hụt nghiêm trọng nguồn máu điều trị, thì ngay lập tức có hàng nghìn người dân sẵn sàng tham gia hiến máu, chia sẻ sự sống đối với người bệnh.

Hoạt động HMTN đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng người hiến máu và ảnh hưởng tích cực tới người dân trong việc chăm sóc sức khỏe và ý thức phòng bệnh, nhất là HIV/AIDS và các vi-rút, vi khuẩn lây truyền qua đường truyền máu để bảo vệ mình và để hiến máu an toàn. Với người hiến máu nhắc lại, giúp tăng ý thức tự chăm sóc, giám sát sức khỏe và tạo dựng lối sống lành mạnh trong cộng đồng.

Hoạt động hiến máu cũng tạo môi trường rèn luyện cho một bộ phận lớn thanh niên, sinh viên trong cả nước với hàng nghìn câu lạc bộ tình nguyện, đội tình nguyện với hàng trăm nghìn tình nguyện viên vận động hiến máu khắp cả nước… Hoạt động hiến máu đã tạo thành phong trào thu hút rất đông lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện; đây là môi trường tốt cho đội ngũ này đóng góp, trải nghiệm và rèn luyện những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Trong suốt 30 năm qua, phong trào HMTN tại Việt Nam phát triển ngày một lớn mạnh, đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Hoạt động hiến máu tại Việt Nam đã góp phần mang lại sự sống của hàng triệu người dân, bảo đảm việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

MỌI CHI TIẾT XEM TẠI: