Mảnh đất Quảng Ninh vốn là nơi có mối quan hệ mật thiết 175 năm với triều đại nhà Trần trong lịch sử (1225-1400) khi đây chính là quê gốc của nhà Trần. Khi mất các vị vua đều được đưa về quê hương an tang, thờ phụng. Hiện vẫn còn lưu lại khá nhiều di tích lăng mộ, đình, đền, miếu, nghè thờ các vị hoàng đế, tướng lĩnh nhà Trần.
Di tích đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn là một điểm đến nổi tiếng linh thiêng tại Hạ Long mà du khách nhất định phải ghé thăm. Nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1993, đền không những là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người bản địa mà còn chứa đựng yếu tố lịch sử cùng kiến trúc đẹp nổi bật.
Lễ hội đền Trần Quốc Nghiễn (đền Đức Ông) đã được tổ chức thường niên tại đền thờ Trần Quốc Nghiễn, thành phố Hạ Long.
Lễ hội là dịp để người dân ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau thông qua những hình ảnh được tái hiện trong lễ hội như: Hình ảnh Đức ông Trần Quốc Nghiễn với các tướng lĩnh hộ giá vi hành qua các con phố, lễ rước đuốc thiêng, lễ thả hoa đăng…
Lễ hội được diễn ra vào đúng ngày mất của đức ông Trần Quốc Nghiễn vào 24/3 âm lịch hàng năm. Nhưng sau này từ năm 2008 thì lễ hội đã được phục dựng lại và tổ chức vào dịp 29 và 30/4 hàng năm. Đây cũng là một hoạt động vô cùng ý nghĩa trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Quảng Ninh, thu hút đông đảo tăng ni, Phật tử, nhân dân và du khách thập phương về dự.
Mở đầu sự kiện là lễ rước kiệu qua đường 25/4, đường Lê Thánh Tông đến chùa Long Tiên rồi trở lại Miếu Đức Ông. Trong ngày rước, người sống ở 2 bên đường đều ra nghênh đón Đức Ông rất trang trọng và thành kính. Hai ngày này sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại: các tuần tế; khoa cúng Kinh Phật, cúng Trần Triều, cúng Mẫu; lễ rước Đức Ông, biểu diễn múa rồng, lân, sư; thả hoa đăng trên biển cầu mong một năm mưa thuận gió hòa cho những người đi biển và những người sống ven biển…
– Phần lễ: Diễn ra vào buổi sáng gồm các nghi thức: Lễ rước Đức ông, biểu diễn múa lân – sư – rồng, lễ cầu an, cúng phóng sinh…
– Phần hội: Diễn ra vào buổi chiều gồm các trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ.
– Buổi tối: Lễ rước đuốc thiêng và lễ phóng đăng trên biển.
Nghi thức buổi tối được người dân và du khách trông đợi nhất bởi nó mang ý nghĩa to lớn về việc Đức ông soi sáng và khai thông trí tuệ cho con người. Hơn nữa thả hoa đăng trên biển cũng là để cầu cho quanh năm mưa thuận gió hòa, ngư dân có thể yên ổn làm ăn, đánh bắt. Không gian sự kiện được mở rộng ra toàn cụm Di tích núi Bài Thơ, gồm: Đền Đức Ông, chùa Long Tiên, một số tuyến phố ở phường Hồng Gai và phường Bạch Đằng.
Mừng ngày đại lễ Công Ty Việt Nhật Hạ Long đã có mặt tại đền Đức Ông, thắp hương để tưởng nhớ đến các vị anh hùng có công trong công cuộc gìn giữ đất nước tạo nên một lịch sử vẻ vang cho dân tộc.
Lễ hội đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn trở thành nét văn hoá truyền thống của nhân dân Hạ Long nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Mục đích chính của nó là bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá trong cụm di tích núi Bài thơ, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào về quê hương và lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Hy vọng đến với đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn mỗi người sẽ lưu lại được thêm nhiều kiến thức lịch sử cũng như chiêm ngưỡng khung cảnh biển đảo tuyệt đẹp của thành phố Hạ Long.